NGƯỜI DÂN PHẢI LÀM GÌ TRƯỚC BÃO

I. ĐỐI VỚI CƯ DÂN VEN BIỂN, KHU ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN THẤP TRŨNG, NƠI CÓ NGUY CƠ NGẬP LỤT, SẠT LỞ VÀ LŨ QUÉT

1. Theo dõi dự báo thời tiết, cập nhật thông tin về rủi ro thiên tai đặc biệt là rủi ro về ngập lụt, lũ ống, lũ quét và sạt lở;

2. Tích trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men đủ dùng trong ít nhất 3 ngày;

3. Nạp điện đầy đủ cho các thiết bị thông tin liên lạc, đèn pin, sạc điện và bình ắc quy. Đổ xăng đầy bình các phương tiện di chuyển cơ giới;

4. Đối với khu đô thị: tháo dỡ các bảng quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn, chằng chống nhà cửa, đóng kín cửa sổ và bịt các lỗ thông gió. Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn nhất, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao, kiểm tra và có phương án dự phòng ứng cứu tài sản trong các hầm chung cư;

5. Chọn nơi trú ẩn an toàn nhất cho thành viên của cả gia đình. Nếu xét thấy nhà mình không đủ sức chống chịu với cấp bão tương ứng thì phải chủ động sơ tán hoặc sơ tán theo yêu cầu của chính quyền địa phương;

6. Đối với vùng nông thôn: Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn nhất, chằng chống nhà cửa, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao, kiểm tra và có phương án dự phòng sơ tán khi có lệnh của chính quyền địa phương (khuyến cáo chủ động sơ tán sang nhà hàng xóm nơi an toàn);

7. Tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.

II. ĐỐI VỚI NGƯ DÂN

1. Theo dõi thông tin dự báo qua radio, qua các đài hải văn và qua hệ thống ICOM của bộ đội biên phòng, người nhà của các ngư dân;

2. Thông báo cho người nhà và cơ quan chức năng về vị trí tàu thuyền trên biển và tham khảo về hướng di chuyển;

3. Thông báo cho các thuyền bạn đang trong cùng vùng biển;

4. Kiểm tra các thiết bị liên lạc, phao cứu sinh, tích trữ nước uống và thực phẩm đủ dùng cho 3 ngày;

5. Nạp điện đầy đủ cho các thiết bị chiếu sáng dự phòng, thiết bị vô tuyến, liên lạc;

6. Tất cả các tàu thuyền cần chủ động di chuyển vào bờ và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm;

7. Neo đậu tàu thuyển theo chỉ đạo của các địa phương nơi có bến cảng, luồng lạch;

8. Di chuyển tàu thuyền vào các lạch sông kín gió nếu không có cảng;

9. Tránh neo đậu tàu thuyền nơi có các ghềnh đá, sóng lớn hoặc nơi mà ngư dân ít biết về các rủi ro có thể xảy ra.

 

 

III. ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ

1. Theo dõi thông tin về thời tiết qua tivi, radio và các hệ thống cảnh báo tại địa phương;

2. Lưu ý thời gian tâm bão vào vì sẽ có khoảng 30 phút – 1 tiếng lặng gió trước khi gió đổi hướng và quật mạnh hơn;

3. Nên ở trong nhà, nơi trú ẩn, không đi ra ngoài;

4. Không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ;

5. Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật;

6. Tắt các nguồn điện khi bão đổ bộ;

7. Tuân thủ các chỉ đạo của cơ quan chức năng.

 

Viết bài: Đoàn Khắc Trung

 

 

 

 

Tìm kiếm

Mực nước, lượng mưa